Người phụ nữ đã tiêm 4 mũi vắc xin vẫn nhiễm nCoV: 2 mũi Astra, 2 mũi Pfizer
4:19 am

Nhiều người tiêm xong 2 mũi vắc xin rồi thì thấy rất yên tâm. Họ cho rằng giờ “cô vi” làm sao mà tấn công mình được. Nếu không may nhiễm cũng sẽ chữa khỏi nên ‘tung tăng’ không còn coi trọng việc phòng dịch, thậm chí thoải mái đến nơi đồng người mà quên luôn cả 5K.

Vậy nhưng, thực tế có rất nhiều trường hợp dù đã tiêm vắc xin đầy đủ, hơn nữa là tiêm mũi tăng cường rồi vẫn nhiễm bệnh như thường đấy nhé!

Như trường hợp một người phụ nữ mới đây, dù đã tiêm đến 4 mũi vắc xin (cả Astra và Pfizer) nhưng người này vẫn bị nhiễm virus SARS-CoV-2 mọi người ạ.

Câu chuyện của người phụ nữ này mình vừa đọc được trên báo Thanh niên, giờ chia sẻ lại cho những ai còn đang coi thường con virus SARS-CoV-2 nha.

Nhiều người tiêm vắc xin nCoV xong lại rất chủ quan. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Người phụ nữ tiêm 4 mũi vắc xin, trong đó có 2 mũi AstraZeneca và 2 mũi Pfizer nhưng xét nghiệm vẫn dương tính với nCoV

Người phụ nữ trong câu chuyện này khoảng 40 tuổi (danh tính được giấu kín ở Đài Loan, Trung Quốc).

Bà đã tiêm 4 mũi vắc xin trong khoảng thời gian từ tháng 4 – 9/2021. Thông tin về việc tiêm loại vắc xin nào trước loại nào sau trong số 2 loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer đến nay chưa được tiết lộ.

Vậy nhưng đến ngày 2/11, bà xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và hiện chưa rõ tình hình sức khỏe của bà ra sao.

Người phụ nữ này cũng không phải là trường hợp hy hữu, bởi ngay sau đó, Đài Loan cũng ghi nhận thêm 1 ca dương tính với nCoV sau khi tiêm 4 mũi vắc xin Pfizer.

Vậy vì sao có người tiêm tới 4 mũi vắc xin vẫn nhiễm nCoV?

Với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, và đã qua 14 ngày nhưng vẫn nhiễm bệnh thì được gọi là nhiễm nCoV đột phá.

Một nghiên cứu ở bang Washington (Mỹ) thu thập dữ liệu từ hơn 4 triệu người đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Dữ liệu cho thấy trong số 5 nghìn người đã tiêm chủng, có 1 người bị nhiễm nCoV đột phá.

Gần đây hơn, một số khu vực dân cư cũng cho thấy rằng, tỷ lệ lây nhiễm đột phá là khoảng 1 trên 100 người đã tiêm chủng đầy đủ.

Tiến sĩ Kavita Patel, Cộng tác viên y tế của NBC News nhấn mạnh rằng, dữ liệu hiện tại cho thấy “những loại vắc xin này là những điều kỳ diệu… Hầu như tất cả những trường hợp đột phá không có người qua đời”.

Và mặc dù vắc xin có hiệu quả rõ ràng trong việc ngăn ngừa nCoV nghiêm trọng và qua đời, nhưng “các ca nhiễm trùng đột phá có thể lây truyền như ở những người chưa được tiêm chủng”.

Các triệu chứng của nhiễm nCoV đột phá bao gồm:

Theo kết quả khảo sát gần 600 người đã tiêm vắc xin nCoV nhưng vẫn nhiễm bệnh ở Ấn Độ, có tới 71% bệnh nhân có triệu chứng, số còn lại không có biểu hiện bệnh.

Các triệu chứng phổ biến là sốt (69%), kế tiếp là đau mỏi người, nôn mửa, đau đầu, (56%), ho (45%), đau họng (37%), mất vị giác, khứu giác (22%), khó thở (6%), đi ngoài (6%), sưng tấy (1%).

Dù đã tiêm 4 mũi vắc xin nCoV nhưng người phụ nữ vẫn nhiễm nCoV. Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Các nhà khoa học khẳng định hiện vẫn chưa có loại vắc xin nào hiệu quả tuyệt đối 100%. Vì vậy, người đã tiêm vắc xin vẫn có thể bị nhiễm là điều bình thường

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vắc xin nCoV không hiệu quả. Theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, vắc xin có thể giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm cũng như rủi ro bệnh tiến triển nặng.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, thực tế chỉ có khoảng 0,004% người tiêm đủ 2 mũi vắc xin phải nhập viện hay qua đời do nhiễm nCOV.

Chính vì vậy, ngoài việc thực hiện 5K và giãn cách xã hội, việc bao phủ tỷ lệ tiêm vắc xin nCoV sẽ giảm ca nhiễm mới, ca nặng và từ đó giảm số người qua đời.

Liên quan đến việc nhiều người tiêm vắc xin rồi vẫn mắc nCoV, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Nguyễn Văn Vĩnh Châu từng chia sẻ trên báo CAND rằng, nhiều người nghĩ tiêm 2 mũi vắc xin sẽ không mắc nCoV là sai lầm.

Theo chuyên gia này thì thực tế, thời gian qua ghi nhận tại Việt Nam và trên thế giới đã có nhiều trường hợp dù tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn nhiễm virus. Bởi các biến chủng virus ngày càng mạnh hơn và có thể có khả năng kháng vắc xin

“Vắc xin giúp giảm mức độ nặng của bệnh chứ không phải 100% không mắc bệnh. Bởi vậy, dù đã tiêm đầy đủ vắc xin, mọi người vẫn nên thực hiện nghiêm quy định 5K và giãn cách để tránh tình trạng lây nhiễm”, Bác sĩ Châu chia sẻ.

Trên đây là những thông tin mình đọc được trên báo nên chia sẻ lại, từ trường hợp này thì mọi người cũng biết vắc xin dù rất quan trọng trong thời điểm này, nhưng không phải 100% ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Vì vậy, ngoài việc tiêm vắc xin đầy đủ, mọi người nhớ duy trì biện pháp 5K để phát huy tối đa hiệu quả phòng dịch nha.

Nguồn: Tổng hợp