Gazprom International, công ty con của Tập đoàn Gazprom, vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về việc phát triển dự án điện khí có tổng vốn đầu tư lên đến 297 triệu USD tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Dự án có công suất 340 MW và dự kiến sẽ đi vào vận hành từ năm 2023, góp phần bổ sung nguồn điện năng cho nhu cầu phụ tải điện của khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Buổi làm việc còn có sự tham gia của các cán bộ cấp cao từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, công ty mẹ Tập đoàn Gazprom, và tổng giám đốc Gazprom International Sergey Turmanov.
Đoàn công tác tỉnh Quảng Trị và Gazprom International trước đó đã có phiên làm việc với Bộ Công Thương về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến phát triển tích hợp.
Dự án được thực hiện dựa theo Công văn số 368/TTg-CN. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Công ty Gazprom International làm chủ đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện khí Quảng Trị dưới hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (Hợp đồng BOT) tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Động thái mới nhất của Gazprom diễn ra trong bối cảnh Mỹ chính thức cấm vận dầu mỏ và khí đốt từ Nga do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine.
Điều này cho thấy tập đoàn năng lượng hàng đầu nước Nga đang nỗ lực chuyển hướng các nguồn thu từ châu Âu sang các thị trường khác.
Trước khi Mỹ chính thức cô lập dầu mỏ và khí đốt từ Nga, Gazprom đã làm việc với chính phủ Trung Quốc nhằm tiến tới một thoả thuận cung cấp khí đốt quy mô lớn với quốc gia này.
Theo Bloomberg, Gazprom đã ký một hợp đồng thiết kế đường ống dẫn khí Soyuz Vostok nối từ Nga sang Trung Quốc. Nếu thoả thuận này chính thức được thực hiện, đường ống Soyuz Vostok sẽ vận chuyển đến 50 tỷ m3 khí đốt/năm từ Nga sang đất nước tỷ dân này.
Trước đó, cuối tháng 2, Nga cũng đạt được một thoả thuận cung cấp khí đốt khác với Trung Quốc có thời hạn 25 năm, mỗi năm cung cấp 10 tỷ m3 khí đốt từ các mỏ vùng Viễn Đông.
Cách đây 8 năm, Gazprom đã ký một thoả thuận trị giá 400 tỷ USD với thời hạn 30 năm nhằm cung cấp trực tiếp tới 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho Trung Quốc thông qua đường ống dẫn khí Power of Siberia. Việc cung cấp khí đốt này đã bắt đầu từ cuối năm 2019. Gần đây, khi dòng khí đốt Gazprom cung cấp cho châu Âu đang giảm xuống, thì lượng khí đốt mà công ty này bán cho Trung Quốc đang có xu hướng tăng lên, thậm chí cao hơn mức đã ký kết trên hợp đồng.
Ngoài ra, Nga cũng đang hướng đến việc tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng sau khi bị cấm vận.
Trang tin The Hindu dẫn một tuyên bố từPhó Thủ tướng, cựu Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak gửi tới Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Puri trong cuộc điện đàm hôm 11/3. Trong đó nhấn mạnh khả năng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ – Nga trong lĩnh vực năng lượng.
Theo các nguồn tin, hai bên đã nhất trí để các quan chức hai nước thảo luận các đề xuất, trong đó bao gồm những phương thức thanh toán khả thi sau khi Nga bị chặn SWIFT.
Hiện tại, xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏtừ Nga sang Ấn Độ đã đạt 1 tỷ USD và đangcó nhiều cơ hội để gia tăng con số này.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng quyết định mua thêm dầu từ Nga trước phản ứng từ các đối tác Mỹ và châu Âu của quốc gia này