Vụ Xã Hỗ Trợ Người Dân Thiệt Hại Do Bão 2.000 Đồng: Yêu Cầu Kiểm Điểm Từ Cấp Xã Đến Huyện
4:27 am

Một địa phương hỗ trợ người dân thiệt hại do bão với số tiền 2.000 đồng đang thu hút sự quan tâm của nhiều người trong những ngày qua. Một số người cho rằng để người dân đến tận nơi, ngồi chờ cả buổi chỉ để nhận 2.000 đồng thì quá tốn thời gian, công sức mà không mang lại lợi ích gì.

Vụ việc hiện đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Địa phương cũng đã lên tiếng giải thích về số tiền hỗ trợ này. Đồng thời, lãnh đạo huyện đã yêu cầu từ cấp xã đến huyện kiểm điểm về vụ việc. Cụ thể, theo TTO, Huyện ủy Phú Ninh, Quảng Nam đã yêu cầu kiểm điểm từ cấp xã đến huyện liên quan vụ việc một hộ dân lên chờ cả buổi rồi được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do bão với số tiền chỉ 2.000 đồng.

Ngày 28/11, ông Vũ Văn Thẩm – bí thư Huyện ủy Phú Ninh – cho biết đã yêu cầu từ cấp xã đến huyện, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm điểm liên quan vụ việc trên.

Những ngày qua, dư luận xôn xao việc bà Nguyễn Thị Kim Truyện (trú thôn Bình Thạnh, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh) nhận hỗ trợ cây cối ngã đổ do bão năm 2020 chỉ với số tiền 2.000 đồng. Hình ảnh tấm giấy mời kèm với tờ tiền trị giá 2.000 đồng mà hộ dân này nhận được đăng tải trên Facebook khiến nhiều người ngạc nhiên.

Giấy mời nhận hỗ trợ thiệt hại do bão và được nhận 2.000 đồng do một tài khoản đăng trên trang cá nhân – Ảnh: TTO

Theo ông Nguyễn Văn Phú – chủ tịch UBND xã Tam Vinh, việc hỗ trợ là đúng theo quy định nghị định 02 của Chính phủ. Diện tích chuối bị thiệt hại của bà Truyện chỉ 10m² nên chỉ nhận số tiền như vậy. Qua rà soát, toàn xã Tam Vinh mức hỗ trợ dưới 10.000 đồng có 31 trường hợp, dưới 20 triệu có 62 trường hợp.

Ông Thẩm đánh giá về thống kê thiệt hại, xã Tam Vinh đã làm rất tốt. Tuy nhiên thống kê và hỗ trợ thiệt hại là hai chuyện khác nhau hoàn toàn. Thống kê để biết tổng thiệt hại, còn hỗ trợ thì tùy thuộc vào nguồn lực, khả năng hiện có của mình.

Ông cho rằng việc hỗ trợ làm hơi kém ở chỗ là “chi tiết” quá, như vậy là không đúng. Đáng lẽ người phê duyệt hỗ trợ phải chỉ đạo lọc lấy từ bao nhiêu tiền trở lên là phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

“Ví dụ lấy mốc từ 50.000 đồng trở lên, còn số tiền nhỏ hơn thông báo lại cho dân, nói bà con thông cảm. Phương pháp làm như vậy sẽ ổn, bởi đây là hỗ trợ chứ không phải đền bù“, ông Thẩm nói.

Theo ông Thẩm, việc chi tiền của xã Tam Vinh chưa được sâu sát với người dân. Số tiền lớn thì mời dân lên nhận, ký tên để kiểm soát, còn tiền ít như vậy thì nên giao về cho tổ dân phố chi trả, giải thích cho dân.

Hoa màu của người dân tỉnh Quảng Nam bị thiệt hai do bão lũ gây ra – Ảnh: Infonet

Ông cho rằng việc hỗ trợ 2.000 đồng như vậy là sai, phương pháp làm không đúng. Có thể họp tổ đoàn kết, thông tin cho người dân, nói bà con về số tiền vậy, xin ý kiến họ có cần thiết phải lấy không, nếu không thì sung vào công quỹ, hoặc trả lại cho Nhà nước.

“Chính quyền phải sâu sát với dân, chứ làm việc máy móc quá. Có 2.000 đồng mà bắt người dân lên ngồi cả buổi chờ nhận là cách làm quan liêu“, ông Thẩm cho hay.

“Huyện ủy yêu cầu kiểm điểm từ trên xuống dưới, phải nhận thức cho ra vấn đề về mặt phương pháp, cách đặt vấn đề. Tôi yêu cầu kiểm điểm một cách nghiêm túc, chỉ ra những tồn tại để rút kinh nghiệm lần sau làm tốt hơn“, ông Thẩm nói.

Bà con mong chờ phần hỗ trợ thiệt hại do bão để khắc phục phần nào hậu quả bão lụt để lại, có kinh phí để có thể phát triển cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, cảm thấy thật bất ngờ khi đến tận nơi, ngồi chờ cả buổi và nhận được phần hỗ trợ 2.000 đồng. Mong địa phương luôn quan tâm đến đời sống người dân, đưa ra những giải pháp hỗ trợ thiệt hại một cách thiết thực nhất để giúp người dân khôi phục kinh tế sau những gì bão lũ gây ra.

Tổng hợp: TTO